Lịch sử và toàn cảnh:
Đức triển khai tàu điện ngầm từ năm 1902, đến nay đã có lịch sử 120 năm.
Hệ thống tàu điện ngầm là một phần của hệ thống giao thông công cộng của CHLB Đức, bao gồm 4 loại hình chính: hệ thống xe bus, hệ thống xe điện chạy trên ray (tram), hệ thống đường sắt nổi (S-Bahn hay Strassen-Bahn – đường sắt đô thị) và hệ thống tàu điện ngầm (U-Bahn hay tàu điện ngầm).
Các hệ thống giao thông công cộng Đức được quản lý theo từng địa phương hành chính, bao gồm cả 4 loại hình hoặc ít hơn nếu địa phương đó không có đông dân cư. Vé đi phương tiện giao thông công cộng có thể dung chung và chuyển đổi hoặc kết hợp giữa cả 4 loại hình bus, tram, điện ngầm và S-Bahn này.
Đặc điểm của tàu điện ngầm
Vậy ở Đức, tàu điện ngầm có gì lạ?
Trước hết chúng ta cần phân biệt nó với 3 loại hình giao thông công cộng còn lại. Bus và tram là các loại phương tiện khác hẳn nên chúng ta không cần bỏ quá nhiều công sức để tìm điểm khác biệt – ngoại trừ mua vé giống nhau thì chúng chả có điểm chung nào khác cả.
Cái chúng ta cần phần biệt là có gì khác nhau giữa U-Bahn và S-Bahn?
Đối với nhiều người Đức khi nói tới tàu điện ngầm với từ “U-Bahn”, họ thường nghĩ chữ U là viết tắt của Untergrund hoặc Unterirdisch (dưới lòng đất/ngầm).
Thực tế thì quan chức bộ giao thông Đức lại khẳng định U-Bahn có chữ U là viết tắt của “Unabhaengig”, tức là độc lập – theo nghĩa nó là loại hình giao thông không liên kết hay giao kết với các phương tiện giao thông khác.
Ở đây cần hiểu theo nghĩa là các tàu điện ngầm chạy ray riêng, trong đường hầm dành riêng hoặc tuyến đường sắt trên cao riêng, không chia sẻ đường với phương tiện nào khác.
Với S-Bahn, đó là các tuyến đường sắt có thể đi chung ray với hệ thống đường sắt liên bang hoặc liên thành phố, thường để nối kết giữa các địa phương cấp quận / xã trở xuống trong một vùng dân cư.
Một số điểm thú vị của tàu điện ngầm Đức
Tàu điện ngầm chỉ có ở những thành phố lớn.
Các thành phố Đức thông thường có quy mô nhỏ, chỉ tầm dưới 200.000 dân cư. Các thành phố giàu có hoặc thủ phủ các bang thì mới có mức cư dân trên 300.000, thậm chí trên 1 triệu cư dân đã có thể vào top 5 thành phố lớn nhất Đức rồi.
Do đó không phải thành phố nào cũng có tàu điện ngầm, chỉ có các thành phố đủ lớn thì mới có hạ tầng tàu điện ngầm, và độ phức tạp, to lớn của hệ thống tàu điện ngầm tỉ lệ thuận với dân số thành phố hoặc vùng dân cư đó.
Bản đồ hệ thống tàu điện ngầm của thành phố Munich với 8 tuyến từ U1 đến U8, Munich có dân số khoảng 1.300.000 người
Tàu điện ngầm ở Đức rộng, có thể mang xe đạp lên tàu điện ngầm
Tàu điện ngầm ở Đức có khoang tương đối rộng, có thể xếp các dãy ghế ngang với 4 chỗ ngồi mỗi hàng ngang, hoặc xếp các dãy ghế dọc.
Nó cho phép hành khách mang những vali cồng kềnh hoặc thậm chí xe đạp lên tàu đi cùng.
Thực tế thì tàu điện ngầm là một trong những phương tiện chính và thuận tiện nhất để người dân di chuyển nếu họ không muốn dùng ô tô riêng.
(Nguồn minh họa ảnh: Trang web của SWM / MVG / N+P Industrial Design – SWM/MVG là công ty chủ quản hệ thống giao thông công cộng thành phố Munich)
Tàu điện ngầm chạy khá nhanh, quãng đường mỗi trạm khá ngắn
Với đặc thù từ định nghĩa là “đường sắt chạc độc lập” – Unabhaengige-Bahn – U-Bahn, về cơ bản chúng có thể chạy và thường chạy với tốc độ khá cao, trung bình 80km/h hoặc nếu tuyến chạy dài giữa các trạm có thể đạt 120-140km/h.
Thứ duy nhất giới hạn tốc độ của chúng là khoảng cách giữa 2 trạm tàu điện ngầm. Thường khoảng cách này là 2 km, ít hoặc nhiều hơn, ở các phần cuối của tuyến tàu, khoảng cách các trạm dài hơn, khi đó tàu sẽ chạy với tốc độ trung bình cao hơn.
Vé tàu điện ngầm mua theo ngày/ tuần/ tháng hoặc theo khu vực
Việc mua vé tàu có thể thực hiện qua các máy bán vé tự động sắp đặt ở những nơi thuận tiện trước khu vực soát vé, hoặc mua tại quầy (thường mỗi ga tàu điện ngầm chỉ có 1-2 quầy bán vé, hầu hết mọi người đều mua vé qua máy bán vé tự động vì chúng khá tiện lợi)
Máy bán vé tự động nhận chi trả bằng tiền giấy, tiền xu và thẻ debit.
Vé tàu điện ngầm như kể trên có thể dung chung hoặc hoán đổi giữa việc đi tàu điện ngầm, tram, bus hay đường sắt nổi. Các loại vé được phân chia và định giá theo thời hạn hiệu lực, quãng đường tối đa hoặc khu vực có hiệu lực.
- Vé theo thời gian: tức là vé mua dung trong ngày, 3 ngày, 1 tuần hoặc vé tháng. Loại vé này cũng quy định khu vực phạm vi vé có hiệu lực – ví dụ chỉ hiệu lực khu nội đô, hoặc hiệu lực cả nội đô lẫn ngoại đô, hoặc chỉ hiệu lực ở 1 khu vực ngoại thành nào đó.
- Vé theo chặng đường: Loại vé đi lẻ hiệu lực 1 lần, với mức vé rẻ nhất chỉ đi được tối đa 2 trạm tàu điện ngầm, loại đắt nhất có thể đi được tất cả các chặng tàu điện ngầm hoặc các loại hình giao thông khác như tram, bus, S-Bahn, một chiều. Nếu muốn đi khứ hồi thì chúng ta cần nghiên cứu loại vé theo thời gian – đi trong ngày hoặc trong 4 tiếng.
- Tàu điện ngầm không chạy 24/7: chúng chạy thường đến 1h sáng và bắt đầu chạy lại vào khoảng 5h sáng mỗi ngày, chủ nhật sẽ ít chuyến hơn hẳn và chuyến đầu cũng sẽ trễ hơn bình thường
(nguồn minh họa ảnh: Münchner Verkehrs- und Tarifverbund GmbH (MVV) )
Kiểm soát vé tàu điện ngầm bằng ý thức tự giác
Ở Đức, thực hiện kiểm soát vé bằng ý thức tự giác là chính, ngay tại cửa ra vào trạm tàu điện ngầm
Khi đã mua vé – nếu không phải vé tháng có ghi sẵn ngày hiệu lực, thì chúng ta phải thực hiện thao tác bấm vé để vé có hiệu lực. Nếu không bấm vé, vé lẻ sẽ không có hiệu lực và nếu bị kiểm tra, chúng ta vẫn bị túm phạt tiền vì lý do “trốn vé”
Việc bấm vé đối với trạm tàu điền ngầm được thực hiện qua việc chúng ta đút vé vào khe máy bấm vé, được lắp ngay trước cầu thang đi xuống hầm tàu điện, và chúng diễn ra một các tự giác – sẽ không có nhân viên soát vé kiểm tra việc này.
Vậy người ta kiểm soát việc tự giác mua vé và dung vé hành khách như thế nào? Câu trả lời là thông qua các người soát vé đột xuất, như kiểu công an 141 đi kiểm tra hành chính người đi đường đột xuất vậy.
Thỉnh thoảng, sẽ có các đội thanh tranh vé đột xuất. Họ lên 1 tàu điện ngầm và bắt đầu trình thẻ thanh tra và yêu cầu mọi hành khách xuất trình vé cho họ kiểm.
Nếu hành khách không xuất trình được vé có hiệu lực thì sẽ ăn biên lai phạt tiền – 40 – 60 EUR cho một lần phạt (nếu đã mua vé tháng mà để quên vé tháng không đem theo thì bị phạt nhẹ hơn – 5 EUR, nhưng khi đóng phạt phải xuất trình được bằng chứng vé đã được mua trước thời điểm bị phạt).
Nếu hành khách không hợp tác mà tìm cách trốn hoặc phản kháng, họ có thể gọi công an (Polizei) đến xử lý với tội danh gây rối, cản trở người thi hành công vụ.
Vấn đề là, bản than biên lai nộp phạt cũng là thứ mà mỗi người tự nhận đem về nhà, việc họ đi đóng phạt cũng là tự giác.
Chính vì thế thời đầu những năm 2000 không ít sinh viên Việt Nam thường xuyên tìm cách trốn vé, dùng chung vé với nhau (về bản chất vẫn là trốn vé).
Tuy nhiên nếu nói về hành vi trốn nộp phạt khi đã nhận biên lai đóng phạt, thì lại rất ít trường hợp. Bởi giới sinh viên Việt Nam kháo nhau rằng đã có những trường hợp đi tàu trốn vé bị nhận biên lai mà không đóng phạt, khi đi gia hạn visa thì bị từ chối gia hạn và phải về nước (bị trục xuất).
Thực hư của tin đồn này là không rõ, nhưng có một điều chính xác, là dữ liệu của những lần trốn vé này đều được nhà tàu chuyển thẳng lên sở công an và lưu lại lý lịch phạm pháp (không rõ với các hành vi phạm pháp nhỏ này thì bao nhiêu lâu án tích sẽ được xóa), cho nên đã bị phạt còn trây ì không đóng phạt thì khả năng cao lý lịch sẽ vào sổ đen cảnh sát cũng như Sở Ngoại Kiều và việc gia hạn visa gặp khó khăn là không khó hiểu.
Đức là một đất nước pháp quyền, dân Đức thượng tôn pháp luật. Với quá trình số hóa, áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý công, dữ liệu vi phạm được chuyển thông giữa các cơ quan Nhà nước thì việc vi phạm pháp luật sẽ trở nên rất rủi ro và đa số người sẽ không muốn gặp rắc rối chỉ vì vài đồng bạc trốn vé.
Trạm tàu điện ngầm
Một số hình ảnh về các trạm tàu điện ngầm ở Đức:
- Lối đi xuống trạm tàu điện ngầm
- Sảnh lên tàu điện ngầm dưới lòng đất:
- Một số trạm tàu điện ngầm ở khu trung tâm sầm uất có kết nối với các hệ thống giao thông khác như S-Bahn hoặc xe lửa thì có them khu vực “tầng lửng”:
Tàu điện ngầm không người lái
Ở Đức hiện tại duy nhất có thành phố Nuernberg có vận hành các tàu điện ngầm không người lái từ 2008.
Trong hình ảnh dưới chúng ta có thể thấy vị trí đầu tàu thay vì là khu vực lái tàu thì nó lại không có gì cả và có gắn ghế hành khách cho ai muốn ngắm quang cảnh phía trước khi tàu điện ngầm đang chạy.
Tàu điện ngầm là phương tiện giao thông công cộng cực kỳ an toàn
Có nhiều lý do để nước Đức duy trì và mở rộng hệ thống tàu điện ngầm như phương án giao thông công cộng có nhiều ưu điểm.
- Tàu điện ngầm chạy bằng điện, nên giúp giảm lượng khí thải từ xe xăng, giảm ô nhiễm môi trường
- Tiêu thụ năng lượng cho vận hành cực kỳ hiệu quả bởi lẽ chúng chạy đường riêng không giao cắt với các phương tiện khác vì thế ít phải phanh hãm nhường đường và bảo trì hơn hẳn so với các phương tiện giao thông khác như xe hơi, bus
- Tỉ lệ tai nạn của hành khách đi tàu điện chỉ bằng 1/38 so với tỉ lệ gặp tai nạn của xe hơi ở Đức. Tàu điện ngầm được coi là một trong số những phương tiện giao thông an toàn nhất nước Đức.
Biên tập viên
Bài mới nhất
- Chia sẻ kiến thức8 Tháng mười, 2024Du học Đức nghề chuyên viên kho vận Fachkraft für Lagerlogistik
- Chia sẻ kiến thức8 Tháng mười, 2024Du học nghề chuyên viên kho hàng tại Đức Fachlagerist/in
- Chia sẻ kiến thức4 Tháng mười, 2024Du học nghề Chuyên viên kinh doanh bảo hiểm và sản phẩm tài chính tại Đức
- Chia sẻ kiến thức3 Tháng mười, 2024Du học nghề Nhân viên kinh tế tài chính ở Đức Finanzwirt/in